Quản Cáo  Topbanner

Vấn Đề Sức Khỏe

Cập nhật: 14:03 - 18/02/2025 | Lần xem: 321

HCDC: Hội nghị tổng kết hoạt động dinh dưỡng năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025

Sáng 13/02/2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động dinh dưỡng năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025. Thay đổi thói quen dinh dưỡng không hợp lý là nhiệm vụ trọng tâm được nhấn mạnh trong hoạt động năm 2025.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, đại diện Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện Liên Chi hội Dinh dưỡng thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện lãnh đạo khoa, tổ dinh dưỡng của bệnh viện, lãnh đạo phòng y tế, Trung tâm Y tế và cán bộ phụ trách chương trình dinh dưỡng của 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức

Ảnh: BS. CKI. Nguyễn Ngọc Thùy Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, BS. CKI. Nguyễn Ngọc Thùy Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cho biết “Trong năm 2024, với sực nỗ lực của toàn Ngành Y tế, Thành phố đã đạt được mục tiêu giảm tình trạng thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em. Tỉ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi duy trì mức thấp 4,5%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi 5,8% (năm 2024). Hoạt động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và phụ nữ mang thai được triển khai đồng bộ và hiệu quả, chưa ghi nhận tình trạng thiếu vitamin A trên lâm sàng”.

Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác chăm sóc dinh dưỡng cũng còn nhiều thách thức. Quá trình đô thị hóa, lối sống tĩnh tại, nhận thức về dinh dưỡng hợp lý ở người dân vẫn còn nhiều hạn chế, sự mất cân đối trong chế độ ăn uống như ăn ít rau xanh, trái cây, thói quen ăn mặn, nhiều chất béo… ít nhiều ảnh hưởng đến việc gia tăng tỉ lệ thừa cân béo phì ở các nhóm đối tượng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Số liệu báo cáo cũng ghi nhận người dân Thành phố sử dụng bình quân 8,5g muối/ngày, cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là dưới 5g muối/ngày. Để vượt qua các thách thức, bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế, cần có sự phối hợp liên ngành để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của các giải pháp.

Ảnh: Hội nghị có sự tham dự của đại diện Cục quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, Sở Ngành và nhiều đơn vị khác

Ngành Y tế cũng đưa ra giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 nhằm thay đổi thói quen dinh dưỡng không hợp lý bằng việc: Tăng cường giáo dục dinh dưỡng, thay đổi hành vi; Tư vấn cải thiện bữa ăn gia đình và suất ăn tập thể; Truyền thông hạn chế tiêu thụ muối, đường, dán nhãn cảnh báo chất béo xấu; Tăng cường khám sàng lọc, tư vấn dinh dưỡng; Giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động dinh dưỡng. Bên cạnh các hoạt động dinh dưỡng cộng đồng thì dinh dưỡng cho người bệnh cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác điều trị, phục hồi sức khỏe. Công tác dinh dưỡng tiết chế cần tiếp tục triển khai và hoạt động có hiệu quả hơn tại các bệnh viện. Người bệnh đến khám và nằm viện cần được sàng lọc, đánh giá và can thiệp dinh dưỡng.

Điều này cho thấy, chăm sóc dinh dưỡng không chỉ là vấn đề của Ngành Y tế mà cần có sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể để nâng cao sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa bệnh tật, cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững nguồn nhân lực của đất nước. Bên cạnh đó, hội nghị cũng thảo luận, trao đổi về các chính sách, quy định pháp luật trong việc cung cấp chứng chỉ hành nghề và những giải pháp kỹ năng chuyên môn, góp phần cung cấp nguồn nhân lực và dịch vụ chất lượng cho cộng đồng.

Ảnh: Đại biểu tham dự cùng thảo luận các vấn đề tại hội nghị

Thu Loan - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố